Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Ngày đầu tiên public bài viết lên Facebook

Tôi viết những dòng này trước khi tôi đăng blog của tôi lên Facebook cho mọi người đọc rồi bình loạn chém gió. Tại sao tôi viết cái bài, hình như nó không hẳn là cái bài mà đơn giản chỉ là đôi dòng cảm xúc của tôi trước khi mang đứa con tinh thần của mình ra trước công chúng? Có lẽ là tôi sợ? Vì giống như một con chim non chuẩn bị cho ngày học bay đầu tiên, nó không biết thế giới ngoài cái tổ đó là gì? không biết chuyện gì sẽ xảy ra với nó. Tôi cũng vậy, tôi không biết ngoài kia sẽ có bao nhiêu "anh hùng bàn phím" chuẩn bị chém tôi tới tấp, bao nhiêu người sẽ ủng hộ tôi, bao nhiêu người sẽ soi từng câu từng chữ của tôi như cái cách tôi soi phim Hàn trong một bài viết của tôi. Sợ cũng đúng thôi, vì bản chất con người vốn sợ hãi mà, nỗi sợ giúp con người thời ăn lông ở lá tránh những nguy hiểm. Nhưng né tránh nó thì viết cũng chả có ích gì? Mặc dù tôi biết khả năng văn chương của tôi vô cùng hạn chế, chính tả rất tệ, nếu như "quý độc giả" có nhận ra lỗi sai giữa "X VÀ S" thì không cần phải suy nghĩ nhiều, của tôi đó. Đến chừng này tuổi đầu rồi, tôi vẫn không thể hiểu được tại sao tôi không thể phân biệt được hai chữ cái này, âu cũng là cái hay vì nếu ai đó có đọc bài của tôi thì hiểu ngay đó là của tôi. Nếu áp dụng tiêu cực vào trong thi cử thì đó là một hình thức đánh dấu bài rất hay ấy chứ. Ngoài ra, ngôn từ văn ngữ của tôi cũng chả phong phú là bao nhiêu, nhiều lúc nó có vẻ rất "Nguy hiểm" khi dùng từ rất chi là "Hiểm nguy Triết học gia" nhưng lắm lúc cũng "ku tè" như zì nek. 
Nói dông dài vậy thôi, rất mong bà con anh chị em cô gì chú bác ngoài kia có một thái độ cảm thông, không mong những quan điểm, và suy nghĩ của tôi được đón nhận, nhưng chỉ mong đừng có quá khắt khe với nó. Hãy góp ý nhiệt tình nhưng đừng hăm dọa nhằm giúp tôi cải thiện khả năng viết, cũng như chính con người của tôi vì con người vốn dĩ không hoàn hảo và luôn phải học hỏi mà. 

Đến đoạn này, tôi cảm thấy nhẹ lòng và dũng cảm hơn khi ngỏ lời "cầu hòa" trước bão táp của dư luận. Hy vọng sẽ có nhiều lời góp ý tích cực cho những sự "Nhăng Cuội" của tôi với cái xã hội, thời thế mà tôi đang sống.

Thân ái
Anthony Ho

Giáo dục, Y tế: Hai ngành cuối cùng

Xin được mượn bài viết của Giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh Nguyên GS Đại học Y Hà Nội

Giáo dục, Y tế sinh ra để đáp ứng nguồn vốn quý nhất

Có thời chế độ ta coi Giáo dục và Y tế là những ngành “phi sản xuất”; do vậy, có thang lương thấp nhất, thấp không kém các ngành sáng tạo (nghiên cứu khoa học và sáng tác văn nghệ). Thực ra, đây là hai ngành sản xuất tri thức và sức khỏe – vốn quý của mỗi người. Cũng có thời, nước ta bị xếp hạng rất thấp về kinh tế, nhưng khi xếp hạng theo mức phát triển xã hội thì Việt Nam tăng vài chục bậc. Đó là nhờ thành tích Giáo dục, Y tế. Lương thấp, nhưng giúp đất nước cải thiện bộ mặt, chẳng lẽ không đáng nói?

Cứ tưởng 4 ngành trên (Giáo dục, Y tế, Văn nghệ và Nghiên cứu khoa học) bị đối xử như vậy, chỉ trí thức mới khốn đốn. Nhưng trí thức khốn đốn, toàn xã hội cũng khốn đốn… “Phi trí bất hưng” là vậy.

Sinh ra, chưa ai có ngay tri thức; lại còn bị đủ thứ bệnh tật rình mò. Bồi bổ sức khỏe và trau dồi tri thức là những nhu cầu rất sớm, rất thiết yếu, để mỗi cá nhân trong xã hội có điều kiện tự kiếm sống và tự mưu cầu hạnh phúc. Được như vậy, đó là một xã hội lương thiện. Giáo dục và Y tế, vì thế, phải sớm ra đời.

Giáo dục, Y Tế tự tạo tấm áo giáp bảo vệ đạo đức ngành nghề

Do có mặt lâu đời, được xã hội trọng vọng (gọi người hành nghề là “thầy”), bản thân hai ngành này cũng dần dần tự hình thành tấm áo giáp bảo vệ các giá trị đạo đức của mình.

Ai làm hai nghề này nếu bị chê cười về đạo đức sẽ hết sức xấu hổ, đau đớn – không những cho mình, mà còn cho cả tập thể. Người bán hàng lừa đảo khách hàng: ắt mang tiếng xấu. Nhưng chưa thể xấu xa bằng thầy giáo và thầy thuốc không giữ được đạo đức trước các đối tượng mà mình có bổn phận phục vụ: học sinh, bệnh nhân. Chọn các nghề này, không ai nghĩ mình sẽ giàu “nứt đố, đổ vách” nhờ “khai thác” các đối tượng trên. Nhưng từ xa xưa, xã hội đã đủ thông minh để đảm bảo cho người làm hai nghề này có cuộc sống xứng đáng. Công lao “thặng dư” của các thầy sẽ được xã hội bù đắp bằng sự quý trọng, tôn vinh. Nhờ vậy, họ đủ sức đề kháng với những cám dỗ vật chất.

Nhờ vậy, những suy thoái đạo đức xã hội không dễ dàng thẩm thấu vào hai ngành trên. Suy ra, khi hai ngành này suy giảm đạo đức ắt là sự ô nhiễm toàn xã hội đã gớm lắm!

Dư luận đã từ lâu phê phán Giáo dục

- Giáo dục bị phê phán đủ sớm, đủ liều lượng và đủ kiên nhẫn

Nhờ vậy, kết quả đưa lại rất tương xứng, chỉ tội tốn quá nhiều thời gian, công sức. Đã phải chấp nhận đổi mới “căn bản và toàn diện”. Cách nói dài để tránh hai từ “cải cách”.

Tuy không phải mọi phê phán đều nhằm vào cái gốc của khuyết điểm…

Dễ thấy, lẽ ra phải phê phán cái gốc (để sửa bền vững), nhưng vẫn khó tránh một số phê phán nhằm vào ngọn. Bởi lẽ, nhiều khi cái ngọn mọc ra quá vướng, quá chướng, khiến người ta không thể bình tâm, nhẫn nhịn. Ví dụ, nạn “dạy thêm” cứ loang như cỏ dại. Cái gốc là lương cứ thấp, chương trình cứ nặng… khiến cả thầy, cả trò, cứ có nhu cầu dạy thêm, học thêm. Họ là nạn nhân, chứ có làm gì nên tội? Ấy vậy, lại cứ sửa bằng cách… ban ra các chỉ thị “cấm dạy thêm”. Đó là chữa triệu chứng, bỏ mặc nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp là lương thấp và chương trình nặng nề. Nhưng “nguyên nhân của nguyên nhân” lại nằm ngoài Giáo dục. Đó là thực trạng Kinh tế-Xã hội và thứ triết lý mang nặng tính ý thức hệ. Dẫu có đặt một ông thánh làm tư lệnh ngành Giáo dục thì cũng vậy thôi. Cả xã hội không sửa nổi nạn “dạy thêm” nhưng chỉ cần vài người sửa lương, sửa triết lý GD… là xong.

- …nhưng hầu hết sự phê phán là “trúng”

Nhờ vậy, kết quả thu được rất bõ: Giáo dục nước ta đã phải chấp nhận Đổi mới CĂN BẢN và TOÀN DIỆN. Xin khỏi cần nói: Cái căn bản cần đổi mới hiện nay là triết lý. Mọi thành tố, mọi khâu, từ mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa, cách dạy, cách quản lý… đều nhất nhất bị một thứ triết lý rất lạc hậu cầm cương. Không khó lắm để nhận ra nó.

Dư luận chuyển sang phê phán mạnh mẽ Y tế

- Nhiều tiêu cực đã bộc lộ đủ nặng nề và trên diện rộng

Vừa phát hiện một việc xấu, phê phán chưa đủ, chưa thỏa… đã phát hiện những việc… xấu hơn. Ai cũng muốn bày tỏ sự bức xúc và đòi hỏi sửa ngay. Do vậy, khó tránh những phê “quá lời”, hoặc chưa phê vào cái gốc. Chữa triệu chứng cũng cần, vì vô số lần nó đã gây bức bối tới mức chính bệnh nhân chịu đựng không xuể. Nhưng để chữa tận gốc thì phải nhằm vào nguyên nhân. Chỉ rõ nguyên nhân, cũng là vấn đề. Chẳng cần tìm đâu xa, nguyên nhân suy thoái và khủng hoảng của y tế và của giáo dục chỉ là một.

- Tư lệnh ngành phải chịu trách nhiệm

Điều này rất đúng. Bất tất nói dài. Ngoài ra, tư lệnh còn gánh cả trách nhiệm từ người tiền nhiệm để lại. Và cả từ cấp trên. Thậm chí, từ thể chế, hệ thống. Điều này cần nhìn nhận cho rõ ràng, sòng phẳng. Cách chức một cá nhân, không khó. Nhưng “hệ thống” vẫn y nguyên thì cách chức liền-tù- tì dăm ba nhiệm kỳ bộ trưởng, liệu có ăn thua gì? Ngược lại, cứ giữ bộ máy y tế như hiện nay, nhưng thay đổi thể chế, hệ thống; mọi chuyện sẽ khác ngay.

- Cỡ chỉ là bộ trưởng, mà TS Nguyễn Quốc Triệu dám hứa “sẽ khắc phục một giường bệnh phải gánh hai bệnh nhân”… là vì ông tin tưởng vào nguồn tiền được hứa hẹn từ cỡ cao hơn. Toàn dân biết rằng y tế hoạt động trông vào ngân sách. Rốt cuộc, ngân sách thất thu, ông vẫn phải chịu trách nhiệm về lời hứa. Điều này không sai, chỉ cần có quy định rõ ràng, sòng phẳng: ông chịu trách nhiệm mức nào thì phê ông ở đúng mức ấy.

- Đương kim bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến được nhà báo hỏi “sao không xây thêm bệnh viên”? (cỡ bộ trưởng có nghĩ nổi cái “mưu vặt” này?). Câu trả lời “phải hỏi Nhà nước” rất đúng, nhưng cũng liều (với cấp trên) và… dại (với dư luận) – vì người hỏi không phải là sinh viên y khoa (để mà giảng giải) mà là nhà báo – có trong tay cái loa công suất cực đại.

- Không phải mọi phê phán đều nhằm vào cái gốc của khuyết điểm

Câu trả lời của Bộ trưởng Y tế bị phê nặng nề: Bộ Y tế không là Nhà nước thì là gì? Sinh viên mới học y khoa thường chưa hiểu ngay rằng: Cái chân là một bộ phận của cơ thể, chứ riêng nó chưa phải là… cơ thể. Quan hệ giữa Bộ Y tế với Nhà nước cũng vậy thôi. Bộ trưởng (kiêm thầy giáo) sẽ giảng để học trò hiểu rằng… bệnh viêm khớp (dạng thấp) ở đầu gối – tuy biểu hiện tại chỗ – nhưng là bệnh có cơ chế “toàn cơ thể”. Hệ miễn dịch (của toàn cơ thể) lẽ ra phải chống thù trong, giặc ngoài, thì… nay (đổ đốn) quay sang chống khớp gối. Cũng vậy, nhiều khiếm khuyết y tế (thiếu tiền xây bệnh viện) có thể do nguyên nhân “toàn thân”.

Y tế cũng cần Đổi Mới CĂN BẢN và TOÀN DIỆN -

Không thể “rách đâu, vá đấy” – kiểu sửa chữa vặt – mà được. Những sai sót cụ thể, cần được phê phán kịp thời, đủ liều. Báo chí đã làm quá đủ.

Điều quan trọng: Cần nhìn vấn đề rộng và thấu đáo hơn, để đạt kết quả bền vững hơn.

Đó là, Y tế cũng cần Đổi Mới CĂN BẢN và TOÀN DIỆN – như Giáo dục. Vì cả hai cùng một gốc bệnh, cái khác nhau chỉ là triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài.

- Khó khăn kinh tế khiến bệnh đã nặng, càng thêm nặng. Giáo dục, Y tế là những ngành phúc lợi, hoạt động đa phần nhờ ngân sách.

Chẳng cần tài giỏi gì nhiều, cũng thấy rằng nếu đủ tiền, tuyến dưới của y tế sẽ được trang bị thêm thiết bị chẩn đoán, lập tức bệnh nhân tuyến trên sẽ giảm hẳn. Nếu tỷ lệ giường bệnh (trên dân số) được giữ vững như “ngày xưa”, tình hình sẽ khác ngay. Do vậy, nếu kinh tế thất bại, cộng thêm lãng phí, tham nhũng, phân hóa giàu-nghèo… sẽ ảnh hưởng xấu và đe dọa đe dọa tới cả sự tồn vong của Nhà nước, chế độ – như đã được chính thức thừa nhận – chứ đâu phải chỉ riêng y tế, giáo dục?

Giáo dục, Y tế là hai ngành ô nhiễm cuối cùng

Ô nhiễm ở hai ngành này không thể nói là nhẹ! Bảo “còn nhẹ”, làm sao sửa nổi?

Chỉ có thể nói, và phải nói: Đây là những ngành bị ô nhiễm cuối cùng; và do vậy, bệnh ở đó còn tương đối nhẹ so với nơi khác.

Suy thoái trong Giáo dục, Y tế bao giờ cũng là thứ phát; do vậy theo nguyên tắc chữa bệnh, phải chữa chạy nơi nguyên phát trước hết.

GS.Nguyễn Ngọc Lanh

Thằng cháu tôi, nó đòi bỏ học

Lời đầu tiên là Cậu xin lỗi Cháu vì đã sử dụng trường hợp của cháu làm tựa cũng như mở bài cho bài viết này!
Cách đây ít ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị cả tôi ở quê nhờ tôi gọi điện cho thằng cháu, năm nay nó học lớp 11, chị nhờ tôi khuyên bảo nó đi học trở lại vì nó vừa đòi bỏ học, trong nhà bây giờ chỉ có mình tôi là cậu ruột nó nói là nó còn chịu nghe chút ít, nó là đứa tôi rất thương dù nó hơi biếng học nhưng nó không có hư đốn, không quậy phá thậm chí nó rất biết điều, có suy nghĩ và có duyên nữa. Nhưng có vẻ như nó đã mất niềm tin vào học tập, vào trường lớp, vào thầy cô và mất niềm tin, phương hướng nơi chính bản thân nó. Chuyện đơn giản là nó nghỉ học thêm ít bữa, thầy gọi nó lên và làm căng với nó, thế là nó tự ái, chán nản đòi nghỉ học. Tôi gọi điện cho nó lúc nó đang đi hái cà phê với mẹ nó, trao đổi này kia nó cũng ừ ừ dạ dạ, tối đó chị tôi gọi nói với tôi là thằng bé nó xin ba mẹ đi học lại rồi và hứa này kia, không biết nó thực thi lời hứa tới mức nào, nhưng tạm thời gia đình rất vui vì vừa "mất một thằng con thất học". Từ chuyện đó, tôi thực sự suy nghĩ cho thế hệ mà tôi đang sống.
Tôi thực sự không biết định nghĩa như thế nào về cái thế hệ, cái giai đoạn mà tôi đang sống là như thế nào nữa, nếu dùng từ "loạn" thì cũng không quá lời. Cái loạn từ chân giá trị con người, nền tảng từ tế bào xã hội là gia đình cho tới thượng tầng những là lãnh đạo chính trị, đất nước rồi những giá trị cốt lõi mà xã hội này đang theo đuổi và thể hiện. Loạn từ Giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, thông tin, kinh tế...Trong bài viết này, tôi sẽ nói đôi chút suy nghĩ, quan điểm của tôi về cái loạn trong Giáo Dục.
Hiện tại kinh tế toàn cầu đang rời vào khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp này càng tăng cao, tôi ra trường đúng cái thời mà người kiếm việc mò không ra, việc tìm người cũng không thấy, sự chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng và chất lượng của ứng viên. Bạn bè tôi, rất nhiều người đã phải bỏ chốn đô thị về quê xây dựng cuộc sống, rất rất nhiều sinh viên ra trường loay hoay và lao đao tìm việc. Đa phần nhà tuyển dụng yêu cầu có ít nhất 1 năm kinh nghiệm, vậy thì sinh viên mới ra trường đào đâu ra nếu họ chỉ có học mà chưa một lần làm việc ở các doanh nghiệp. Tôi đi làm bấy lâu, chỉ rất ít kiến thức đã được dạy ở đại học là áp dụng trong công việc, vốn liếng kiến thức kinh nghiệm của tôi đều góp nhặt từ công việc mà tôi làm, những người thành công mà tôi gặp...Đó là lỗ hổng lớn của GD mà ai cũng thấy, chính phủ thấy, nhân dân thấy, sinh viên thấy nhưng dường như những hành động hoặc giải pháp là chưa đủ để khắc phục. Số ít sinh viên họ chọn con đường vừa đi học, vừa đi làm thêm bằng nhiều việc khác nhau để có thêm kinh nghiệm nhưng không phải ai cũng may mắn có được vị trí trong 1 doanh nghiệp thực sự để học hỏi mà đa phần làm những công việc khó giúp ích gì nhiều về kinh nghiệm, hay có nhiều sinh viên không vượt qua nổi sự cám dỗ cũng như vất vả của cơm áo gạo tiền, họ bỏ học giữa chừng. Thế nên, biết bao lâu nay, sinh viên mới vào trường đại học cứ băn khoăn với câu hỏi "có nên làm thêm hay không?" và chưa hề nhận được câu trả lời thỏa đáng, có lẽ chỉ có chính họ phải tự tìm câu trả lời cho chính bản thân mình vì họ mới biết hoàn cảnh của họ và họ thực sự mong muốn điều gì trong cuộc sống.
Trước tình hình những anh/chị rời thành phố về quê sau khi tốt nghiệp ĐH, hoặc rời Đh giữa chừng. Các em đang học phổ thông vô cùng hoang mang, mấy em bắt đầu đặt câu hỏi "học để làm gì?" học cái gì cho khỏi thất nghiệp? họ hỏi bản thân họ, hỏi bạn bè, hỏi gia đình, hỏi thầy cô?  Nhưng chắc chắn một điều là không có câu trả lời nào thỏa đáng cho các em hết. Trình trạng đó bây giờ đổ lỡi cho ai? cho thời thế hay do chính bản thân sinh viên không chịu năng động, tìm tòi cơ hội cho mình? Tại sao giữa thời thế này, có rất nhiều người thành công đi lên từ tay trắng, nhưng cũng có kẻ lần không ra?
+ Theo tôi, đầu tiên phải trách chính bản thân các bạn trẻ, trách gì ư? chính họ là người rõ nhất vì họ phải trả lời chính bản thân mình rằng: họ có đang "Thực học" nghĩa là họ có đang đi học không? hay chỉ mang danh nghĩa là đi học nhưng họ đang phân tâm vào những thứ vô bổ khác? Học không chỉ là ngồi trên lớp mà thôi? nhưng chỉ việc ngồi trên lớp thôi họ đã thực sự làm tốt chưa? Ngoài giờ học trên trường, bạn đã tìm thêm cho mình những cơ hội mới mẻ để tìm đường cho mình chưa?
+ Thứ hai là trách xã hội, trách nhà nước và chính phủ. trách gì ư? Bây giờ báo chí, các phương tiện truyền thông đưa tin ầm ầm năm này qua năm khác đó thôi. Có thể tôi sẽ viết về cái trách của xã hội vào một bài viết khác. Để thay đổi xã hội, mất rất nhiều thời gian, vậy để thay đổi hoàn cảnh, đầu tiên chỉ có thể thay đổi bản thân mình trước. Thay đổi như thế nào, tôi sẽ chia sẻ ở bài viết sau có thể với nội dung "tìm kiếm cơ hội vươn lên khi bạn là sinh viên".
Có vẻ như tôi hơi lan man ở trên rồi. Có lẽ đang viết về cái loạn, nên đầu óc nó cũng loạn lên luôn. Quá nhiều vấn đề của ngành GD, tôi chỉ có thể tập trung vào một số điểm thôi, còn cái ung nhọt của cả hệ thống thì nó thành một đề tài nghiên cứu Tiến Sĩ mất thôi. Quay lại vấn đề học để làm gì? gia đình và thầy cô sẽ trả lời, học để có tương lai tốt hơn, sán lạn hơn, nhưng họ hoàn toàn không trả lời được là có chắc không? khi mà bây giờ thất nghiệp sau khi học xong ĐH cao như vậy. Nói về khối ngành kinh tế thôi, mỗi năm Đh Kinh tế cho ra trường tầm 4000 sinh viên, Đh Ngoại Thương, Ngân Hàng, Kinh tế-Luật...những Đh Top nhưng với hơn 20,000 Doanh nghiệp phá sản hàng năm. Cơ hội nào cho sinh viên? Đó là chưa kể những Đh khác nữa. Vậy với sv các trường dân lập, cao đẳng dân lập...quá khó. Đâu phải ai cũng có năng khiếu học tập, cũng đâu hẳn chỉ có mỗi con đường Đh sẽ đưa đến thành công, đó là chưa nói đến định nghĩa thành công là gì? Quá bối rối cho các em phố thông, nhưng nếu không học thì họ sẽ phải làm gì? Một đất nước phát triển được thì phải lấy Giáo Dục làm gốc, đó là một nguyên lý chắc chắn, nhưng với đất nước mình, vẫn còn loay hoay một câu hỏi? học để làm gì thì quả là một cái "loạn" của thời thế. Có vể như tôi hơi có cái nhìn tiêu cực về hiện trạng kinh tế, xã hội hiện nay, nhưng có theo tôi có lẽ, giữa lúc biển loạn như thế này mọi thứ mới trả về đúng với giá trị thực của nó. Để xã hội phát triển thì chúng ta phải nhìn vào cái giá trị thực dù nó có đau đớn đến mức nào? Nhìn vào giá trị ảo thì sẽ rơi vào cái bẫy bong bóng mà thôi.

Anthony Ho

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Đất nước thành công sớm nhất Thế giới - Hàn Quốc

Đề tài này đã tính viết từ rất lâu khi thấy thằng cháu nó xem bộ phim "Đội ngũ danh y" của Hàn Quốc, nhưng loay hoay mãi chưa viết được, tới hôm nay đầu óc nó hơi lùng bùng khó hiểu nên quyết định gõ đôi dòng "bình loạn" về phim cũng như văn hóa làm phim Hàn Quốc thể loại phim mà tui ghét, rất ít khi xem nhưng một khi xem là tui cày nguyên đêm để xem xong 16 tập bộ phim "The Queen of Classroom - tạm dịch: Bản sắc đàn bà" một bộ phim với nội dung khá hay về đề tài giáo dục, tuy rằng vẫn mang nặng "Hàn xẻng xì tai phiem" nhưng truyền tải được nhiều ý nghĩa hay về cuộc sống.
Để ý thấy tui thường gõ bài thông qua các bộ phim mà tui xem(thực ra tới lúc này đây là bài thứ 2 mà tui viết) nói thế cho nó "hoành tá tràng" - có lẽ tui là thằng ghiền phim, một con mọt phim và cũng là "thánh soi sạn" trong những bộ phim mà tôi xem mà đặc biệt tui khoái soi mấy bộ phim Hàn Quốc, không biết lý do là sao, cũng có thể do cái quan điểm ko mấy tốt đẹp về phim Hàn thời nay, hoặc cũng có thể đang ghen tị với mấy nhân vật xinh trai xinh gái kia. Thế nào cũng được nhưng bây giờ tui bắt đầu soi một vài điểm mà tui thấy khó chịu khi xem phim Hàn:
- Tại sao tui đặt tựa cho bài này là "Đất nước thành công sớm nhất Thế giới - Hàn Quốc" đơn giản khi tui xem phim Hàn Quốc, tui thấy có rất nhiều vị chủ tịch, phó chủ tịch, giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, chủ nhiệm, viện trưởng, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ...thuộc vào dạng siêu trẻ nhất Thế giới. Nom các anh chị ấy như mới vượt qua cái ngưỡng 23-25 tuổi, có già lắm thì cũng chỉ 28-30. Cái tuổi mà đa phần sinh viên trên thế giới mới ra trường, hoặc có vài năm kinh nghiệm làm việc(xin được phép nói theo kiểu vơ đũa cả nắm). Ấy thế mà, ở Hàn quý vị ấy đã ngồi vào ghế chủ tịch, giám đốc, viện trưởng...cứ xem phim "đội ngũ danh y" hay bộ phim cách đây gần 10 năm mà tui xem "gia đình bác sĩ" nếu nhớ không nhầm? Những tiến sĩ bác sĩ trưởng khoa thuộc dạng suất xắc nhất nước Hàn ấy thế mà trẻ măng, tóc màu này màu kia, xì tai rất thời thượng và trẻ trung. Ở Việt Nam nhé, học y là 6 năm nha, học thêm 2 năm chuyên khoa nữa nha, tốt nghiệp để vào làm bệnh viện được cũng 27-28 tuổi rồi, còn lên trình thạc sỹ, tiến sĩ hay trưởng khoa gì đó thì tóc cũng phải 3 màu rồi: đen, trắng, bạc. Chưa nói đến những nước mà về ngành y dược đào tạo vô cùng gắt gao như Mỹ, Đức, Pháp...học không hẹn ngày ra trường.
Diễn viên chính phim "Đội ngũ danh y"
- Nói về diễn xuất: các chàng, các cô ấy thức trắng mấy đêm phẫu thuật và chăm sóc theo dõi bệnh nhân mà mặt mày ko thể hiện một chút mệt mỏi hay kiệt sức, khi đối diện với tình huống bệnh nhân đến giai đoạn nguy kịch ấy thế mà ánh mắt vẫn tỉnh bơ - cái này chắc do diễn xuất của diễn viên chưa được nhập lắm. Đó là chưa soi tới anh chàng bệnh nhân, cơ thể banh ra hết đó rồi mà da dẻ, mặt mày, môi mắt vẫn trông cứ tươi tỉnh cứ như là chuẩn bị đi dự tiệc. Chết...lạc đề rồi.
- Về lãnh vực kinh tế thì hết chỗ chê, bắt đầu từ mấy anh chàng công tử bột, mặt búng ra sữa nếu ở Hàn còn nếu mà ở VN thì sẽ búng ra mụn được. Cơ mà một cơ đồ khổng lồ nằm trên vai ông bố bà mẹ, đùng một cái bố mẹ chuyển cho, thế là mấy chàng mấy cô thành chủ tịch, giám đốc...người ta cúi rạp đất để chào, để cung kính, thậm chí có người còi cúi xuống chùi  hay buộc lại dây giày. Mấy cậu đó đang học trung học, hoặc thậm chí hết học...ấy cơ mà ngồi vào bàn đàm phán những thương vụ M&A như thiệt á...ảo quá. Thực tế thì tuổi đó chắc đang ngồi đàm phán lương khi phỏng vấn xin việc ấy chứ.
- Phim Hàn thì ai là diễn viên chánh, thì khỏi cần bàn: uy nghi, đạo mạo, veston trang bị tới tận răng, đi đứng cứ như đang đi sàn catwalk, đằng sau luôn phải có 4-5 anh bảo vệ bự chảng theo hầu, đi tới đâu người ta cúi đầu tới đó trông như bậc thánh nhân hay lãnh tụ vĩ đại...Ngoài ra, ai mà là người tốt thì tốt miễn bàn, tốt như thánh, không một chút bụi trần. Còn nhân vật phụ hay nhân vật phản diện thì rõ luôn: luôn khúm núm, khù khờ, dễ sai vặt...kẻ ác thì ác vô đối, không chút máu người. Xì tai này nó dùng mấy chục năm rồi vẫn tác dụng ầm ầm, người Việt mình vẫn cứ mê các oppa như điếu đổ, mặc dù biết rõ kết cục là oppa đó hoặc con bồ của oppa đó sẽ ung thư và chết ở tập cuối.
- Tui nói đây chỉ soi phim Hàn nhé, còn tụi Hàn nó sống sao thì tui không có biết, tui soi cái mà bản thân thấy chướng tai gai mắt thôi. Đồng ý, những hình tượng thành công rất sớm như thế cũng tốt, truyền nguồn cảm hứng thành công cho các bạn trẻ. Thế nhưng những con người vĩ đại và thành công vô cùng sớm như 10 vị tỉ phú trẻ nhất thế giới do Forbes bình chọn, họ sống đơn giản và khiêm tốn lắm chứ có như kia. Thành ra, giới trẻ bị hoa mắt, chóng mặt, chỉ mê cái ảo của các chàng oppa mà quên đi mất cuộc sống hiện thực. Oppa hắt hơi, sỗ mũi trong phim mà nó còn lo hơn bố mẹ đang dầm mưa, dãi nắng ngoài đồng. Thật phũ quá...

Anthony Ho