Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Thằng cháu tôi, nó đòi bỏ học

Lời đầu tiên là Cậu xin lỗi Cháu vì đã sử dụng trường hợp của cháu làm tựa cũng như mở bài cho bài viết này!
Cách đây ít ngày, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị cả tôi ở quê nhờ tôi gọi điện cho thằng cháu, năm nay nó học lớp 11, chị nhờ tôi khuyên bảo nó đi học trở lại vì nó vừa đòi bỏ học, trong nhà bây giờ chỉ có mình tôi là cậu ruột nó nói là nó còn chịu nghe chút ít, nó là đứa tôi rất thương dù nó hơi biếng học nhưng nó không có hư đốn, không quậy phá thậm chí nó rất biết điều, có suy nghĩ và có duyên nữa. Nhưng có vẻ như nó đã mất niềm tin vào học tập, vào trường lớp, vào thầy cô và mất niềm tin, phương hướng nơi chính bản thân nó. Chuyện đơn giản là nó nghỉ học thêm ít bữa, thầy gọi nó lên và làm căng với nó, thế là nó tự ái, chán nản đòi nghỉ học. Tôi gọi điện cho nó lúc nó đang đi hái cà phê với mẹ nó, trao đổi này kia nó cũng ừ ừ dạ dạ, tối đó chị tôi gọi nói với tôi là thằng bé nó xin ba mẹ đi học lại rồi và hứa này kia, không biết nó thực thi lời hứa tới mức nào, nhưng tạm thời gia đình rất vui vì vừa "mất một thằng con thất học". Từ chuyện đó, tôi thực sự suy nghĩ cho thế hệ mà tôi đang sống.
Tôi thực sự không biết định nghĩa như thế nào về cái thế hệ, cái giai đoạn mà tôi đang sống là như thế nào nữa, nếu dùng từ "loạn" thì cũng không quá lời. Cái loạn từ chân giá trị con người, nền tảng từ tế bào xã hội là gia đình cho tới thượng tầng những là lãnh đạo chính trị, đất nước rồi những giá trị cốt lõi mà xã hội này đang theo đuổi và thể hiện. Loạn từ Giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, thông tin, kinh tế...Trong bài viết này, tôi sẽ nói đôi chút suy nghĩ, quan điểm của tôi về cái loạn trong Giáo Dục.
Hiện tại kinh tế toàn cầu đang rời vào khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp này càng tăng cao, tôi ra trường đúng cái thời mà người kiếm việc mò không ra, việc tìm người cũng không thấy, sự chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng và chất lượng của ứng viên. Bạn bè tôi, rất nhiều người đã phải bỏ chốn đô thị về quê xây dựng cuộc sống, rất rất nhiều sinh viên ra trường loay hoay và lao đao tìm việc. Đa phần nhà tuyển dụng yêu cầu có ít nhất 1 năm kinh nghiệm, vậy thì sinh viên mới ra trường đào đâu ra nếu họ chỉ có học mà chưa một lần làm việc ở các doanh nghiệp. Tôi đi làm bấy lâu, chỉ rất ít kiến thức đã được dạy ở đại học là áp dụng trong công việc, vốn liếng kiến thức kinh nghiệm của tôi đều góp nhặt từ công việc mà tôi làm, những người thành công mà tôi gặp...Đó là lỗ hổng lớn của GD mà ai cũng thấy, chính phủ thấy, nhân dân thấy, sinh viên thấy nhưng dường như những hành động hoặc giải pháp là chưa đủ để khắc phục. Số ít sinh viên họ chọn con đường vừa đi học, vừa đi làm thêm bằng nhiều việc khác nhau để có thêm kinh nghiệm nhưng không phải ai cũng may mắn có được vị trí trong 1 doanh nghiệp thực sự để học hỏi mà đa phần làm những công việc khó giúp ích gì nhiều về kinh nghiệm, hay có nhiều sinh viên không vượt qua nổi sự cám dỗ cũng như vất vả của cơm áo gạo tiền, họ bỏ học giữa chừng. Thế nên, biết bao lâu nay, sinh viên mới vào trường đại học cứ băn khoăn với câu hỏi "có nên làm thêm hay không?" và chưa hề nhận được câu trả lời thỏa đáng, có lẽ chỉ có chính họ phải tự tìm câu trả lời cho chính bản thân mình vì họ mới biết hoàn cảnh của họ và họ thực sự mong muốn điều gì trong cuộc sống.
Trước tình hình những anh/chị rời thành phố về quê sau khi tốt nghiệp ĐH, hoặc rời Đh giữa chừng. Các em đang học phổ thông vô cùng hoang mang, mấy em bắt đầu đặt câu hỏi "học để làm gì?" học cái gì cho khỏi thất nghiệp? họ hỏi bản thân họ, hỏi bạn bè, hỏi gia đình, hỏi thầy cô?  Nhưng chắc chắn một điều là không có câu trả lời nào thỏa đáng cho các em hết. Trình trạng đó bây giờ đổ lỡi cho ai? cho thời thế hay do chính bản thân sinh viên không chịu năng động, tìm tòi cơ hội cho mình? Tại sao giữa thời thế này, có rất nhiều người thành công đi lên từ tay trắng, nhưng cũng có kẻ lần không ra?
+ Theo tôi, đầu tiên phải trách chính bản thân các bạn trẻ, trách gì ư? chính họ là người rõ nhất vì họ phải trả lời chính bản thân mình rằng: họ có đang "Thực học" nghĩa là họ có đang đi học không? hay chỉ mang danh nghĩa là đi học nhưng họ đang phân tâm vào những thứ vô bổ khác? Học không chỉ là ngồi trên lớp mà thôi? nhưng chỉ việc ngồi trên lớp thôi họ đã thực sự làm tốt chưa? Ngoài giờ học trên trường, bạn đã tìm thêm cho mình những cơ hội mới mẻ để tìm đường cho mình chưa?
+ Thứ hai là trách xã hội, trách nhà nước và chính phủ. trách gì ư? Bây giờ báo chí, các phương tiện truyền thông đưa tin ầm ầm năm này qua năm khác đó thôi. Có thể tôi sẽ viết về cái trách của xã hội vào một bài viết khác. Để thay đổi xã hội, mất rất nhiều thời gian, vậy để thay đổi hoàn cảnh, đầu tiên chỉ có thể thay đổi bản thân mình trước. Thay đổi như thế nào, tôi sẽ chia sẻ ở bài viết sau có thể với nội dung "tìm kiếm cơ hội vươn lên khi bạn là sinh viên".
Có vẻ như tôi hơi lan man ở trên rồi. Có lẽ đang viết về cái loạn, nên đầu óc nó cũng loạn lên luôn. Quá nhiều vấn đề của ngành GD, tôi chỉ có thể tập trung vào một số điểm thôi, còn cái ung nhọt của cả hệ thống thì nó thành một đề tài nghiên cứu Tiến Sĩ mất thôi. Quay lại vấn đề học để làm gì? gia đình và thầy cô sẽ trả lời, học để có tương lai tốt hơn, sán lạn hơn, nhưng họ hoàn toàn không trả lời được là có chắc không? khi mà bây giờ thất nghiệp sau khi học xong ĐH cao như vậy. Nói về khối ngành kinh tế thôi, mỗi năm Đh Kinh tế cho ra trường tầm 4000 sinh viên, Đh Ngoại Thương, Ngân Hàng, Kinh tế-Luật...những Đh Top nhưng với hơn 20,000 Doanh nghiệp phá sản hàng năm. Cơ hội nào cho sinh viên? Đó là chưa kể những Đh khác nữa. Vậy với sv các trường dân lập, cao đẳng dân lập...quá khó. Đâu phải ai cũng có năng khiếu học tập, cũng đâu hẳn chỉ có mỗi con đường Đh sẽ đưa đến thành công, đó là chưa nói đến định nghĩa thành công là gì? Quá bối rối cho các em phố thông, nhưng nếu không học thì họ sẽ phải làm gì? Một đất nước phát triển được thì phải lấy Giáo Dục làm gốc, đó là một nguyên lý chắc chắn, nhưng với đất nước mình, vẫn còn loay hoay một câu hỏi? học để làm gì thì quả là một cái "loạn" của thời thế. Có vể như tôi hơi có cái nhìn tiêu cực về hiện trạng kinh tế, xã hội hiện nay, nhưng có theo tôi có lẽ, giữa lúc biển loạn như thế này mọi thứ mới trả về đúng với giá trị thực của nó. Để xã hội phát triển thì chúng ta phải nhìn vào cái giá trị thực dù nó có đau đớn đến mức nào? Nhìn vào giá trị ảo thì sẽ rơi vào cái bẫy bong bóng mà thôi.

Anthony Ho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét