Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

CAO NHÂN VÀ ẨN SĨ

       

26-10-2013. Thức tới 2h30 sáng để xem lại tập 31-37 bộ phim "Thiên Long Bát Bộ" phiên bản 2003 do Châu Hiểu Văn làm đạo diễn với các diễn viên Hồ Quân vai Kiều Phong, Lâm Chí Dĩnh vai Đoàn Dự, Lưu Diệc Phi vai Vương Ngữ Yên, Cao Hổ vai Hư Trúc - Đây được xem là phiên bản phim hoàn hảo nhất nói về tác phẩm nổi tiếng của nhà văn lỗi lạc Kim Dung. Qua những phần tập phim này mình rút ra được rất nhiều bài học hay thú vị đặc biệt bài học về "Bậc Cao Nhân và Kẻ Ẩn Sĩ".


Trong một phân đoạn khi các bang phái giao tranh ác liệt trên núi Thiếu Lâm Tự lúc này Cái Bang do ngụy bang chủ Trang Tụ Hiền (Du Thản Chi) khiêu chiến chùa Thiếu Lâm trước sự có mặt của rất nhiều nhân sĩ võ lâm. Cũng trong lần này, chân tướng của sự việc ở Nhạn Môn Quan (Các cao thủ võ lâm Trung Nguyên dấu mặt tấn công gia đình Tiêu Phong, giết chết mẹ ông và bố ông nhảy xuống vực tự vẫn) được hé lộ hoàn toàn. Vị trưởng bối đại ca năm xưa vốn là trụ trì của Thiếu Lâm Tự. Tại đây xuất hiện Mộ Dung Bác (một cao thủ võ lâm đời trước) và Tiêu Viễn Sơn - Phụ thân của Tiêu Phong năm xưa nhảy xuống vực tự vẫn nhưng chưa chết - giả trang làm hòa thượng nhằm lén vào Tàng Kinh Các nghiên cứu võ công. Cả hai người đều có mục đích riêng: Mộ Dung Bác chính là kẻ đưa tin giả gây ra vụ Nhạn Môn Quan năm xưa, hắn giả chết để trốn tránh tội lỗi và đánh cắp bí lục võ công của Thiếu Lâm Tự tiếp tục thực hiện âm mưu phục quốc, làm loạn võ lâm của mình. Còn Tiêu Viễn Sơn nghiên cứu võ học để trả thù những kẻ thủ ác năm xưa, chính ông là kẻ giết người bí ẩn khiến cho Tiêu Phong phải chịu bao tai tiếng.


Cuối cùng Ân oán được giải bởi một bị cao tăng vô danh chuyên làm tạp dịch trong Tàng Kinh Các. Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đều xuất gia đầu phật. Điều thú vị ở đây là lúc trận giao tranh đang diễn ra ác liệt, Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác xuất hiện rất uy phong lẫm liệt, mặc dù bịt mặt nhưng họ thể hiện được cái uy của bậc cao thủ thượng thặng. Còn vị cao tăng vô danh xuất hiện với hình ảnh chỉ là một lão tăng gầy còm, ốm yếu, quét sân chùa và coi giữ Tàng Kinh Các trông chẳng có gì đáng trọng. Thế nhưng đằng sau vẻ bình dị tới mức tầm thường đó là nội công tuyệt đỉnh, võ học thượng thừa đạt tới cảnh giới tối cao, sự am tường uyên thâm về Phật pháp và trên hơn hết là một tấm lòng từ bi, nhân hậu và sâu sắc. Cả 5 cao thủ võ lâm gồm Tiêu Phong, Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục và Cưu Ma Trí đại sư cũng đều thất thủ khi tỉ thí với vị cao tăng này. Qua đây ta thấy được một bài học của những vị cao nhân, những danh nhân. Họ là những người đạt tới nhiều thành tựu to lớn trong cuộc sống, vượt qua được nhiều trải nghiệm quý báu của cuộc đời, họ thường chọn cách "ở ẩn" hay nói một cách hiện đại hơn là họ kín tiếng hơn trong công việc, cuộc sống riêng tư cũng như những phát ngôn. Trái ngược hẳn với những người khi chưa thành công lớn, mới bắt tay gây dựng sự nghiệp hay như những kẻ chỉ mới 2-3 ngày đi học võ hoặc mới chỉ đạt được những thành quả nho nhỏ họ đã bắt đầu thích tự lăng xê mình, tự huyễn trong lời khen, sự tâng bốc của dư luận, họ tựa như Đinh Xuân Thu thuê một đám lâu la kèn trống luôn túc trực để tung hô ông ta là đấng cái thế vô song và một kết cục thảm hại cho cuộc đời hắn ta.


Một bài học quý giá nữa rút ra đó là bài học về mục đích sống. Điển hình của bài học này là cách chọn loại võ công theo học của ba nhân vật Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác và Cưu Ma Trí. Tiêu Viễn Sơn vì mục đích trả thù cho vợ con, khi giả trang làm hòa thượng nhằm lén vào Tàng Kinh Các nghiên cứu võ công. Giữa hàng vạn bí kíp võ học vô song và Chân kinh Phật pháp của Thiếu Lâm Tự, Tiêu Viễn Sơn lại bỏ đi Pháp hoa kinh, Tạm A hàm kinh mà vui sướng khi thấy Bán nhược chưởng pháp, và Phục ma giáng pháp để rồi chìm đắm trong con đường ma đạo. Mộ Dung Bác thì vứt bỏ vị ngôn pháp ngữ của sư tổ, lời nói tâm đắc của liệt đại cao tăng bỏ mọi thứ như bỏ đôi giày cũ, vớ được cuốn Niệm hoa chỉ pháp như vớ được châu báu. Cưu Ma Trí là một vị đại sư nước Thổ Phồn nhưng chìm đắm trong mộng làm bá chủ võ lâm nên học bất cứ bí kíp võ công nổi tiếng nào mà ông tìm được. Để rồi cả 3 người họ phải chịu những đớn đau khôn tả về thể xác vì những bộ võ học mà họ luyện. Cổ nhân mua châu báu chỉ lấy hộp không lấy châu báu khiến người đời cười chê, nhưng họ là những vị "đương thế cao nhân" lại đi làm chuyện nực cười. Luyện võ học Thiếu Lâm Tự phải dựa trên Phật pháp và tâm hồn thanh tịnh, hoài niệm từ bi có như thế mới đạt tới cảnh giới tối cao trong võ học nhưng họ lại nuôi thù để rồi vào con đường ma đạo lãnh họa vào thân - tẩu hỏa nhập ma. Rõ ràng khi xây dựng doanh nghiệp cũng như sự nghiệp của bản thân đều phải xây dựng trên những ước vọng và mục đích tốt đẹp, giúp đời giúp người thì sự nghiệp mới có thể trở nên sáng lạn và thành công, người đời mến mộ.
      
  Anthony Ho