Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

BÀN VỀ GIÁO DỤC - TRONG CUỘC ĐỜI, CÓ HAI THỜI ĐIỂM CHÚNG TA HẠNH PHÚC NHẤT, MỘT LÀ LÚC CHÚNG TA ĐƯỢC SINH RA, HAI LÀ LÚC CHÚNG TA BIẾT SINH RA ĐỂ LÀM GÌ

Q1, Sài Gòn, 2-6, 1h30 sáng. Tình trạng cá nhân hiện tại: mát mẻ(ngồi dưới máy lạnh), tuy vừa có một ngày nặng nề nhưng sau một vài thủ thuật bây giờ đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn, có phần sảng khoái không hề nhẹ, bụng hơi đói tuy mới làm 1 bịch sữa tươi. Và bắt đầu chấp bút cho một cái đề tài xưa như trái đất "Giáo Dục" cái mà tôi có đề cập ở bài viết trước đây, cũng trên blog này "Thằng cháu tôi nó đòi nghỉ học". Mấy ngày hôm nay, tôi  suy tư nhiều chuyện từ Thế Giới, Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Tôn giáo...Dự là sắp tới sẽ có vài bài viết về mấy chủ đề này. Tối hôm qua thì có ngồi nhậu với thầy Võ Trọng Phúc, một người đàn anh trong ngành Giáo dục, cùng nhau trao đổi với nhau về chiến lược phát triển mảng giảng dạy Tiếng Anh tại hội quán tiếng Anh KUDU mà tôi đang tâm huyết gầy dựng. Tối nay thì lại có 8 facebook với một cô bé học trò đang học tiếng Anh ở chỗ tôi(dùng từ cô bé cho nó có vẻ là học trò chứ bạn ấy cũng trạc tuổi tôi), một cô bé trẻ tuổi  nhưng mang một hoài bảo không hề nhỏ, và đặc biệt rất tâm huyết với GD nước nhà. Rồi 1-6 vừa qua là ngày Quốc tế thiếu nhi nữa, vô tình tạo động lực cho tôi viết đôi dòng về những suy nghĩ của tôi về Giáo dục.
Tôi định nghĩa Giáo dục như sau: Giáo là dạy, dục là vứt. Hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng nó cũng hay cả. Dạy xong rồi dục, tức là dạy xong rồi bị quang ra ngoài đường, lo mà áp dụng những gì đã học vào cuộc sống đề mà bơi lội với đời. Hay hiểu theo nghĩa, dạy cho cố rồi cũng dục, nói về nền GD Việt Nam thì đúng thế thật. Không cần phải nêu rõ ra đây vấn đề của GD VN là gì, chỉ cần gõ các từ khóa "vấn đề của giáo dục Việt Nam" Google sẽ cho ra hơn 25 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,11 giây. Như vậy chúng ta có thể hình dung rằng, vấn đề này không hề mới, quá nhiều bài viết nói về chủ đề này, thậm chí có cả những đề tài khoa học, những đề án nghiên cứu về đề tài này, mà lớn nhất vĩ đại nhất là cái đề án cải cách sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT VN trình bày trước Quốc Hội trong năm nay với cái "giá" bèo như con cá kèo 34.275 tỷ đồng  
Đúng là giá bèo như cá kèo nếu không có con số tỷ ở sau các bác nhẩy. Chắc khi các bác vừa nghe lần đầu tiên trong cuộc họp, hẳn sẽ phải hỏi lại thêm 1 lần nữa cho nó chắc. Túm cái váy lại, thì định nghĩa GD rất đơn giản, giáo xong rồi dục (vứt). Dạy bơi xong rồi sẽ vứt tụi học trò trong hồ bơi để tụi nó bơi. Dạy tiếng Anh thì vứt học trò vào chỗ người nước ngoài để nó tự tin giao tiếp. Dạy kinh doanh thì vứt ra ngoài thị trường để mà buôn mà bán. Học làm người thì phải bị dục ra giữa cuộc đời mới hiểu hết được ý nghĩa. Theo cái nhìn của riêng tôi thì VN mới chỉ làm được 1/2 của từ Giáo Dục, tức mới chỉ dạy thôi chứ chưa có "Dục", nghĩa là mới chỉ nhồi nhét kiến thức lý thuyết cho học sinh chứ chưa đưa nó vào thực tế cuộc sống. Nói đâu xa xôi, ngay chính bản thân tôi, những thứ đao to búa lớn được học ở trên ghế nhà trường, bao nhiêu phần trăm đem áp dụng ra ngoài đời sống thực tại? 4 năm đại học để rồi bao nhiêu % kiến thức được học mang lại giá trị ứng dụng khi tôi đi làm? 
Tôi không là một nhà giáo dục, một giáo sư chuyên nghiên cứu về giáo dục, tôi chỉ là một thằng thanh niên tay trắng nhưng tôi có cái nhìn về giáo dục của một thằng bình dân, thứ mà GD được dùng để trui rèn thành những người có ích cho xã hội. Tại sao VN mình luôn tự hào là một dân tộc có truyền thống hiếu học, luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi học thuật Quốc tế nhưng nền GD mình vẫn luôn được đánh giá là chậm tiến. Tại sao mình luôn tự hào mình có rừng vàng biển bạc, núi sông trùng điệp, tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng mình vẫn luôn là một nước nghèo (cái này có liên quan nhiều tới chính trị và kinh tế nữa). Câu nói từ nhỏ tụi bạn tôi có đùa rằng "Đừng tự hào mày nghèo mà học giỏi mà hãy tự giỏi tại sao mày giỏi mà vẫn nghèo" có lẽ Việt Nam chúng ta nên tự hỏi chính chúng ta câu đó. Như vậy, GD của chúng ta là không xài được, không dùng được, ai cũng biết điều đó nhưng để thay đổi ư? đó là phải thay đổi cả một ý thức hệ bắt đầu từ các bác ở thượng tầng vĩ mô. Mà để đạt được điều đó, lâu lắm, khó lắm và đau đớn lắm. Bằng chứng là VN đã biết bao đời Bộ trưởng GD đã cố gắng để thay đổi nhưng đâu vẫn còn có đó, có lẽ chỉ có nước tẩy nảo hết toàn bộ rồi lập trình lại từ đầu, cứ như kiểu máy tính bị virus hay lỗi nặng quá, cuối cùng cách thô bỉ nhất là format và cài win lại từ đầu - nhờ cái này mà khối anh công nghệ thông tin của VN ra trường có việc làm - cho tôi đùa ở đây tí xíu, không lại đụng chạm mấy bạn học CNTT bảo tôi không biết gì về điện mà cứ bày đặt le lưỡi liếm cầu chì. Câu hỏi quen thuộc mà mấy bạn sinh viên CNTT Việt Nam được nhận là "ê, mày học ngành gì, CNTT hả, zi biết cài win không? qua cài dùm tao cái?" Hiện tại trên thế giới, CNTT vẫn đang là một ngành mũi nhọn và mang lại lợi nhuận khổng lồ, bằng chứng là những công ty đang rất giàu có và có tốc độ tăng trưởng chóng mặt hiện nay là các công ty CNTT, những tỷ phú trẻ nhất thế giới hiện nay đa phần đều là dân CNTT. Ấy thế mà VN mình thì ngược lại, học CNTT luôn mang trong mình canh cánh nỗi sợ thất nghiệp. Nói giản đơn là GD VN mình thối rồi, nhiễm virus nặng quá rồi, lỗi từ win, phần mềm cho tới phần cứng rồi. Chỉ có nước thay mới mà thôi, hoặc chí ít thì format lại hết từ a-z rồi cài lại từ đầu. Trong bài viết này, tôi không muốn đề cập tới nhiều về những tiêu cực về GD VN, vì những cái đó các bạn có thể đọc ở bất cứ đâu trên mạng, những tiêu cực về thi cử, tuyển giáo viên, chạy chọt để được vào trường chuẩn....kính thưa các loại tiêu cực, nhiều quá đến nỗi thôi đành thở dài "kệ mịa nó", máy tính mình chậm quá, sửa không nổi, mua mới thì không có tiền, thôi thì ra quán net xài tạm - ví von nhiều phụ huynh VN hiện nay cho con cái ra nước ngoài du học, hy vọng mong manh một tương lại tươi sáng hơn. Một Quốc gia, một Dân tộc thất bại trong Giáo dục thì thôi đừng bàn về việc sánh vai với cường quốc năm châu, cạnh tranh trên chính trường thế giới, dẹp hết đi. Chỉ có GD mới là một vũ khí mạnh nhất, hiệu quả nhất để chống lại xâm lăng, để đưa Đất nước giàu mạnh và chảnh được với Thế giới. 
Xét về mặt vĩ mô thì tiêu cự là thế nhưng bản thân mỗi phụ huynh, mỗi người học sinh, sinh viên VN cũng phải xem lại chính mình. Trong đây, tôi xin được đề câp nhiều hơn tới các bạn sinh viên vì tôi cũng vừa kinh qua những tháng năm bóc mỳ ăn thay cơm như đa phần sinh viên VN. Còn với các bậc phụ huynh thì thông cảm cho họ lắm lắm, bao nhiêu nỗi khổ chi phí của gia đình, mà còn phải thêm chi phí "hạ hỏa mát gan" cho thầy cô, rồi học thêm này, học phụ đạo nọ, tội nghiệp con cái đi học mà cặp còn to và nặng hơn người. Nhưng không học thêm, học bớt thì thua thiệt, bị trù dập, bị dìm (tôi cũng là một sản phẩm của dìm hàng vì không đi học thêm hồi còn cấp 3 nên thấu hiểu lắm lắm). Tôi có anh học trò tiếng Anh - là phóng viên trưởng ban biên tập một mảng trên báo Công An, cũng có con học ở trường tiểu học ngay kế KUDU của tôi, ảnh bảo "Thôi, em đừng nhắc tới GD VN mà làm gì, thối nát lắm rồi, anh chỉ mong con anh lớn hơn xíu cho nó đi du học hết thôi". Rất thông cảm cho các bậc phụ huynh, cũng vì muốn con em mình không bị gánh nặng thầy cô, bạn bè mà phải tiếp tay cho những sai trái trong GD. Còn đối với các bạn SV, ngán SV VN lắm lắm, đa phần có học đâu, nếu không học thì cũng gắng làm thêm để phụ cha mẹ, đằng này biếng toàn tập, ra trường lại trách đời bất công không có việc. Các bạn trách thầy cô dạy chán, không thực tế, không ứng dụng được, trách đã chọn sai nghề, nhầm trường...nhưng lại không nỗ lực để thay đổi nó, mà buông xuôi cuộc sống của mình, trai thì cá độ, số đề, hút thuốc, đánh bạc, chơi game...gái thì....tùm lum các kiểu. Các bạn quên đi cuộc sống tần tảo mà cha mẹ các bạn đang phải lăn lộn để gửi tiền cho các bạn học hành, cứ tưởng các bạn đang ngồi ở ghế giảng đường, đang thuyết trình này nọ như trong phim mà cha mẹ bạn xem trên TV. Sự thật thì phũ quá. Dạo gần đây, tôi thấy có nhiều nét tiến bộ ở sinh viên, trong đó có nhiều bạn là học viên của tôi. Mấy bạn ấy không chỉ chăm chỉ ở trường mà còn rất chịu khó kiếm thêm kinh nghiệm và tiền bằng cách làm thêm. Ngoài ra, còn có những bạn rất tài năng, thành lập được những doanh nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, doanh nghiệp thành công và các bạn lại dùng số tiền đó đi du học để nâng cao trình độ của mình. Hoặc những bạn tự tìm được học bổng, tự trao dồi thêm các ngoại ngữ khác để tìm cơ hội học tập và làm việc tại những nước phát triển...rất nhiều bạn làm tôi thực sự ngưỡng mộ. Số đó không có đông nhưng nó mang lại niềm vui thật sự cho tôi, vì tôi là một trong những đứa làm còn nhiều hơn đi học. Thành ra, cái câu hỏi mà gần như SV năm nhất nào cũng hỏi, em có nên đi làm thêm không? Và cũng hàng mớ chuyên gia, diễn giả, diễn thật đủ kiểu bình luận về chủ đề này. Đơn giản thôi "NÊN", hãy cố gắng hết sức vừa đi làm và đi học, khổ đó, mệt đó, có thể ảnh hưởng việc  học thật đó, mất cân bằng thật đó, nhưng hãy cố cả làm và cả học. Tốt hơn nữa hãy làm việc nào có liên quan tới ngành học càng tốt, sẽ tạo thuận lợi về sau. Đừng để đồng tiền chi phối bạn và kéo bạn ra khỏi ghế giảng đường luôn là được. Dù sao đi nữa, sống trên đời phải "tức thời", có cái bằng vẫn còn hơn là không có. Một điều chân thành khuyên các bạn SV là hãy sống cho đáng với tuổi trẻ, vui chơi ít thôi, lao động là vinh quang, lao động là cách tận hưởng cuộc sống khôn ngoan nhất đó. Nếu các bạn mỗi người đều ý thức, tự thay đổi cuộc sống của mình, thì đến lúc xã hội cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực đó. Giống như phản ứng trong bom nguyên tử, từ những phản ứng của những nguyên tử nhỏ mà dẫn đến một năng lượng khổng lồ. Các bạn là những nguyên tử, sự thay đổi tốt từ 1 người sẽ tác động lên người cạnh bạn và từ đó sẽ lan tỏa lên toàn xã hội. 
Hai anh em tại sự kiện "Sharing Night" tổ chức tại KUDU
Xin kể lại câu chuyện mà tôi ngồi tâm sự với thầy Phúc về chủ đề giáo dục và trọng tâm là việc giảng dạy tiếng Anh - cái sự nghiệp mà tôi đang lèo lái doanh nghiệp bé bỏng thơ ngây của tôi lựa chọn làm yếu tố chiến lược và cốt lõi xuyên suốt với tiếng Anh là bước khởi đầu. Tôi không phải là một thầy giáo dạy tiếng Anh được đào tạo bài bản về kỹ năng sư phạm, hay là một du học sinh bên bển về, hoặc là một người sáng tạo ra một phương pháp kỳ diệu trong việc học tập T.A cũng như trình độ tiếng Anh siêu đẳng, nghe nói cứ như người ở bển. Mà chỉ đơn giản là một người trẻ tâm huyết và máu lửa với ngành Giáo dục, muốn cống hiến cuộc đời mình để góp phần gì đó vào nền GD của nước nhà, tôi không mong rằng tôi có thể thay đổi được nền GD mà chỉ mong với cánh én bé nhỏ có thể giúp ích cho những người học trò của mình có được môi trường học tập thật tốt, mà trước mắt là môi trường học tập tiếng Anh. Tại sao tôi lại mạo hiểm tiền bạc, tuổi trẻ thậm chí danh dự của mình để làm điều này, đơn giản đó là sự đam mê, điều tâm huyết. Tôi có đọc cuốn sách "Triệu phú đô la tuổi 14" trong đó có 1 câu mà tôi ghi khắc "TRONG CUỘC ĐỜI, CÓ HAI THỜI ĐIỂM CHÚNG TA HẠNH PHÚC NHẤT, MỘT LÀ LÚC CHÚNG TA ĐƯỢC SINH RA, HAI LÀ LÚC CHÚNG TA BIẾT SINH RA ĐỂ LÀM GÌ" Tôi rất hạnh phúc khi nhận ra mình đam mê ngành GD và đang cố gắng rất nhiều để thực hiện mơ ước đó. Tôi cảm thấy rất may mắn khi mà doanh nghiệp tôi mới khởi sự, vô vàn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, còn nhiều sai sót trong công tác sư phạm nhưng lại được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ giáo viên, sự thông cảm từ các bạn học viên và sắp tới đây là sự hợp tác mang tính bước ngoặt và chiến lược giữa tôi và thầy Phúc - hai con người tâm huyết: 1 người đầy tài năng, đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm lâu năm trong ngành cùng bắt tay với 1 người trẻ tràn đầy máu lửa trong huyết quản và không sợ thất bại. Hai anh em ngồi phân tích những điểm yếu, những sai sót trong việc đào tạo tiếng Anh của hệ thống GD VN và cả hệ thống trung tâm tiếng Anh tư nhân, từ đó anh em cùng thống nhất hợp tác với nhau để hứa hẹn sẽ mang tới một môi trường học tập tiếng Anh độc đáo, chính xác và hiệu quả. Có lẽ nếu không có GD kết nối thì tôi sẽ chẳng bao giờ gặp được thầy Phúc mà chỉ được xem thầy hát online qua các clip của thầy. Tôi nhận ra rằng, nếu có đam mê và khao khát thực hiện ước mơ thì vô tình những nguồn lực sẽ tự đến giúp đỡ bạn. Mặc dù khó khăn còn rất nhiều nhưng với quyết tâm của mình, khát vọng mang tới một mô hình và phong cách Giáo Dục mới sẽ được thực hiện.
SG - 3:45 sáng,
Nhăng Cuội
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét